Để nuôi dạy con thành người hạnh phúc và thành đạt: Luôn sát cánh bên con bằng những điều tích cực

VHO - Ngày con cất tiếng khóc chào đời cũng là ngày cha mẹ rơi nước mắt vì hạnh phúc, bởi con chính là quả ngọt của tình yêu, là món quà kỳ diệu nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi gia đình. Sinh ra con đã khó, nuôi dạy con nên người lại càng khó hơn. Bất kỳ ông bố, bà mẹ nào cũng mong muốn con mình lớn lên trở thành người có đức, có tài. Thế nhưng, ước muốn ấy chưa bao giờ là điều dễ dàng…

Để nuôi dạy con thành người hạnh phúc và thành đạt: Luôn sát cánh bên con bằng những điều tích cực - Anh 1

 Chương trình “Đêm hội trăng rằm” do Công đoàn Bộ VHTTDL phối hợp với Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức, thu hút hàng trăm em nhỏ và các gia đình tham gia Ảnh: TL

 Hãy lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia để tìm hiểu “bí quyết” nuôi dạy con thành người hạnh phúc và thành đạt!

Không có khuôn mẫu, cha mẹ hãy chắt lọc những điều cần thiết cho con

Để nuôi dạy con thành người hạnh phúc và thành đạt: Luôn sát cánh bên con bằng những điều tích cực - Anh 2

Giáo dục là chức năng cơ bản của gia đình, giúp cho trẻ những hiểu biết, cảm nhận, thái độ, kỹ năng cần thiết để thích nghi và ứng xử với các sự vật, hiện tượng của thế giới xung quanh. Gia đình có vai trò, trách nhiệm to lớn trong việc giáo dục đạo đức, lối sống và hình thành nhân cách đối với thế hệ trẻ. Giáo dục gia đình có đặc điểm riêng: Gắn liền với quá trình chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục bằng tình yêu thương ruột thịt bởi những mối quan hệ thân thiết. Giáo dục gia đình mang tính chất thường xuyên, lâu dài và có hệ thống chặt chẽ, trên cả hai phương diện: Đạo đức, kỹ năng sống và kỹ năng lao động sản xuất từ đơn giản đến phức tạp.

Có thể thấy, giáo dục gia đình ảnh hưởng sâu đậm đến sự phát triển cả về trí tuệ, đạo đức, lối sống của mỗi người. Là cha mẹ, ai cũng mong nuôi dạy con cái khôn lớn, thành đạt và vấn đề đặt ra là nuôi dạy con theo định hướng nào, truyền thống hay hiện đại. Cách dạy nào cũng có những mặt tích cực và cả mặt hạn chế, theo tôi tốt nhất là kết hợp, chắt lọc những điều tích cực của mỗi cách nhưng phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của con em mình. Mỗi đứa trẻ lại có đặc điểm về tính cách, năng lực, sở thích khác nhau, do đó thật khó để áp dụng khuôn mẫu chung cho tất cả trẻ. Ví dụ, có những bé tính cách nhút nhát, rụt rè, không dám thể hiện chính kiến thì cha mẹ phải động viên, tạo nhiều cơ hội để con tham gia các hoạt động tập thể để con khắc phục hạn chế. Nhưng với những trẻ hiếu động, xu hướng thích tự làm theo ý mình, không muốn bị “kìm kẹp” thì cha mẹ có cách để định hướng cho trẻ phải thực hiện những quy định, nguyên tắc...

Không ai hiểu và gần gũi con cái như cha mẹ. Trên cơ sở những kiến thức, kỹ năng về nuôi dưỡng, giáo dục con đã được tuyên truyền rộng rãi, mỗi bậc cha mẹ hãy nghiên cứu, tìm hiểu để tìm ra định hướng giáo dục phù hợp nhất với điều kiện gia đình, đặc điểm của con mình để trẻ có sự phát triển tốt nhất.

(Ông KHUẤT VĂN QUÝ, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL)

 Hãy luôn sát cánh bên con với những kỷ luật tích cực

Để nuôi dạy con thành người hạnh phúc và thành đạt: Luôn sát cánh bên con bằng những điều tích cực - Anh 3

Trẻ em không phải là tờ giấy trắng để cha mẹ tùy ý vẽ lên hoặc vì thế mà cảm thấy áp lực “đi tìm phương pháp giáo dục” để giúp con thành công. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có đầy đủ nền tảng để trở thành một con người độc lập. Theo nghiên cứu từ Đại học Harvard (Mỹ), trẻ em có 3 giai đoạn vàng trong 10 năm đầu đời để được phát triển toàn diện, đó là: 0-3 tuổi, 5-7 tuổi và 8-10 tuổi. Như vậy, trong 10 năm cao điểm này, nếu cha mẹ tập trung để giúp con khỏe mạnh, có cơ hội được phát triển tối đa về khả năng vận động, ngôn ngữ; não bộ được kích thích để tăng cường khả năng tư duy, trẻ được phát triển tình cảm để sẵn sàng cho việc tiếp nhận quan hệ xã hội... thì trẻ sẽ thông minh hơn, tự tin hơn và có khả năng học tập tốt hơn, sẵn sàng cho các trải nghiệm cá nhân, từ đó đạt được thành công và hạnh phúc.

Những gì cha mẹ cần làm trong 10 năm này không quá phức tạp: Giai đoạn 0-3 tuổi cần tập trung cho dinh dưỡng (sữa mẹ rất quan trọng) và giao tiếp với sự quan tâm, yêu thương hằng ngày để giúp trẻ cảm thấy an toàn, tự tin phát triển giao tiếp xã hội. Giai đoạn 5-7 tuổi, là lúc trẻ hình thành tính cách và thói quen, trẻ có khả năng quan sát, bắt chước rất nhanh nhạy nhưng chưa biết phân biệt đúng sai, vì vậy cha mẹ cần định hình, uốn nắn sự phát triển tính cách cho con bằng kỷ luật tích cực (tuyệt đối không quát mắng, đòn roi); kích thích phát triển trí não và sự tự tin của trẻ như cho tiếp xúc nhiều các “trò chơi” trí tuệ, tư duy và môi trường lành mạnh như công viên, vườn bách thú. Giai đoạn 8-10 tuổi, là lúc trẻ hình thành các ý tưởng độc lập để trở thành cá nhân độc lập với cảm xúc cạnh tranh, tư duy chiến thắng phát triển mạnh mẽ. Do vậy, trẻ thường bướng bỉnh, thể hiện sự nổi loạn, thậm chí chán học. Cha mẹ cần “sát cánh với con” để giúp trẻ từ bỏ thói quen xấu và có cách giải quyết mâu thuẫn tích cực, công bằng. Lưu ý, sau độ tuổi này việc đó sẽ trở nên vô cùng khó khăn và 50% hành vi thiếu tích cực của trẻ sao chép từ chính cha mẹ.

(Bà LÊ THỊ PHƯƠNG THÚY, Chuyên gia về bình đẳng giới và PCBLGĐ)

 Vì con mà cha mẹ phải tự hoàn thiện để trở thành gương sáng

Để nuôi dạy con thành người hạnh phúc và thành đạt: Luôn sát cánh bên con bằng những điều tích cực - Anh 4

Chúng ta sinh ra và bắt đầu cuộc sống từ cái nôi gia đình. Nền tảng giáo dục gia đình giúp con người có thể hòa nhập vào cuộc sống chung của nhân loại. Ở Việt Nam, giáo dục trong gia đình luôn được các bậc cha mẹ chú ý quan tâm ngay từ khi trẻ cất tiếng khóc đầu tiên và theo suốt cả cuộc đời mỗi con người.

Không thể có sự hình thành và phát triển nhân cách đầy đủ, hoàn thiện nếu không có một môi trường giáo dục gia đình thuận lợi. Ngày 4.5.2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày Gia đình Việt Nam. Từ đó tới nay, ngày này đã trở thành sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mái ấm văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Gia đình là nơi cung cấp các nhu cầu cơ bản của sự sống còn cho trẻ như nơi ăn chốn ở, dinh dưỡng, quần áo, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế về thể chất và tinh thần…; bảo vệ trẻ khỏi tác động xấu từ môi trường bên ngoài thông qua việc giám sát các hành vi, nhằm tránh cho trẻ khỏi gặp rủi ro cao, đồng thời cung cấp, trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân trước các nguy cơ bị xâm hại.

Tuy vẫn còn những hạn chế và thiếu hụt nhất định trong vấn đề cung cấp kiến thức về xâm hại trẻ em cũng như trang bị cho trẻ những kỹ năng tự bảo vệ mình, bởi chính các bậc cha mẹ cũng còn thiếu kiến thức và kỹ năng về vấn đề này, song đây vẫn là chủ thể quan trọng nhất chịu trách nhiệm thực hiện Quyền trẻ em khỏi mọi hình thức bị lạm dụng, xâm hại, cũng như cung cấp các kiến thức, kỹ năng cho trẻ để phòng ngừa những rủi ro trong môi trường sống và tự bảo vệ bản thân trước các hành vi nguy cơ. Từ những đặc điểm, lý giải trên, có thể khẳng định: Gia đình có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta chú trọng đến xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới. Dù tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng giá trị quan trọng nhất vẫn là giá trị về con cái, nuôi dưỡng, giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách của mỗi người ngay từ những năm đầu đời.

(PGS.TS TRỊNH HÒA BÌNH)

 

THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc